Việc gia tăng các biện pháp để ổn định giao thông là việc cần làm, nhất là ở các thành phố lớn. Nhưng sau gần 2 tuần áp dụng nghị định 168, đã thấy xuất hiện các tác dụng phụ của Nghị định đầy bất cập này.
Nếu Bộ Công an không kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế, về lâu dài, Nghị định 168 sẽ phá hủy từng tế bào kinh tế từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Thậm chí, nếu để lâu sẽ tạo ra một sự bức xúc “âm ỉ”, và rất có thể tạo ra một hiệu ứng “nồi áp suất” của một cuộc cách mạng khi có cơ hội chín muồi.
Từ khi thực hiện việc tăng giá phạt tiền các vi phạm giao thông, các ngã tư có vẻ trật tự hơn, các phương tiện giao thông dừng đúng vạch, khi đèn đỏ. Nhưng hiện tượng kẹt xe thường xuyên hơn và đường nào cũng kẹt, giờ nào cũng kẹt.
Thậm chí, Sài Gòn được đánh giá là kẹt xe “nghiêm trọng” chưa từng thấy. Ùn tắc cũng xảy ra ở những tuyến trước đây thông thoáng, hầu như không bị ách tắc.
Dư luận phản ánh, từ đầu năm 2025 cho đến nay hệ thống đèn ngã tư bị trục trặc tứ tung, xanh nhảy qua đỏ, đỏ nhảy qua xanh tán loạn không theo một trình tự hợp lý nào. Hơn thế nữa, việc bỏ đếm số giây lùi, phạt lấn vạch khi đèn vàng, hay cấm rẽ phải… là điều cực kỳ vô lý.
Điều đó khiến vấn đề liên quan đến việc tránh đường cho các loại xe cấp cứu, cứu hỏa, cứu thương, kể cả xe quan chức dùng còi hụ…, tại các giao lộ có đèn giao thông khó có thể thực hiện. Người đi đường sẽ dứt khoát không tránh vì như thế là vi phạm.
Chưa kể đến với tình trạng kẹt xe với thời gian rất dài, các tài xế xe taxi cho biết, có những chuyến xe đi 5 – 7 km hết cả tiếng đồng hồ. Nếu tình trạng này không được chấm dứt sớm thì các loại xe taxi sẽ lỗ nặng.
Đêm ngày 10/1, trên mạng xã hội đã nóng lên với các thông tin, ở Sài Gòn hành khách lỡ chuyến bay do tình trạng kẹt xe. Trong sân bay cũng vậy, hành khách tìm phương tiện trở về nhà cũng không có vì không có phương tiện.
Một câu hỏi đặt ra là, nếu như, tất cả các lái xe taxi ở Sài Gòn đồng loạt đình công. Tài xế tắt ứng dụng, không nhận khách thì điều gì sẽ xảy ra đối với thành phố đông dân nhất trên cả nước? Chắc chắn giao thông sẽ bị tê liệt, xã hội đóng băng, và đi tới bất ổn?
Một xã hội năng động và phát triển đòi hỏi sự lưu thông thông thoáng ở mức độ cao. Trong khi, ở tất cả các nước đề ra Luật Giao thông trên cơ sở hợp lý, phù hợp với đời sống, kinh tế, chứ không phải là kiểu rập khuôn vô nhân tính như Nghị định 168 của Bộ Công an Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, việc cho áp dụng ngay lập tức, thậm chí sớm hơn 40 ngày theo quy định. Cũng như, Nghị định 168 không có giai đoạn thử nghiệm ở một phạm vi hẹp trước, để xác định những khó khăn trong việc thực thi và có biện pháp điều chỉnh kịp thời, đặc biệt khi mức xử phạt tăng cao. Đây là sự vô trách nhiệm, và kém hiểu biết của Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
Lãnh đạo ngành công an nhiều mưu mô thủ đoạn kiếm ăn, nhưng rất ít kinh nghiệm quản trị quốc gia là điều có thật. Nếu không thể tạo ra những ý tưởng tốt thì hãy nên chấp nhận học hỏi điều có sẵn. Việt Nam đã thua thiên hạ hàng thế kỷ, nhưng Bộ Công an vẫn ảo tưởng muốn tạo sự đột phá thì đó chỉ có thể là sự hoang đường và hoang tưởng.
Nghị định 168 đang phá vỡ sự vận hành bình thường của xã hội và reo rắc sự sợ hãi, đã tạo nên nỗi bất an và oán hận trong dân chúng. Nó sẽ kéo lùi kỷ nguyên vươn mình của dân tộc của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trà My – Thoibao.de